PATH Kỷ niệm 40 năm hoạt động đổi mới y tế tại Việt Nam

10:45' SA - Thứ bảy, 19/12/2020

Nhìn lại thành tựu ngành y tế công cộng trong bốn thập kỷ qua và tầm nhìn cho tương lai.

Đã có nhiều thay đổi kể từ năm 1980, thời điểm lần đầu tiên PATH bắt đầu hoạt động tại Việt Nam với tư cách là cố vấn kỹ thuật cho chính phủ. Ngày nay, PATH có hơn 60 nhân viên tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - đóng vai trò là trung tâm khu vực, điều phối các dự án trên khắp Việt Nam, Campuchia và Lào.

Bốn thập kỷ qua đã chứng kiến những đóng góp của PATH phát triển để đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam, song quan hệ hợp tác luôn là trọng tâm trong thành công của PATH. Hợp tác với các đối tác địa phương, quốc gia và toàn cầu là chìa khóa để có được bước tiến về công bằng y tế.


PATH Việt Nam

PATH có mối quan hệ hợp tác lâu dài với chính phủ Việt Nam, được củng cố bởi những người như Tiến sĩ Vũ Minh Hương, cố vấn kỹ thuật khu vực của PATH, người đã làm việc với PATH tại Việt Nam hơn 20 năm.


Trong 40 năm, PATH đã chứng tỏ là một cố vấn kỹ thuật đáng tin cậy cho chính phủ Việt Nam. PATH đã chứng minh có thể đáp ứng các vấn đề sức khỏe trọng yếu của quốc gia bằng cách vận dụng các phương pháp và công nghệ mới của nền y học.” –Tiến sĩ Vũ Minh Hương cố vấn kỹ thuật khu vực của PATH


PATH phối hợp chặt chẽ với chính phủ, các đối tác quốc tế và địa phương để xây dựng, thử nghiệm và mở rộng quy mô các mô hình chăm sóc sức khỏe sáng tạo, cụ thể như mô hình kết hợp công và tư trong kiểm soát bệnh lao, thành lập ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của Việt Nam đã cung cấp sữa cho 4.000 trẻ sơ sinh hàng năm, đưa việc sàng lọc tăng huyết áp đến nhiều người hơn thông qua mạng lưới cộng tác viên và tình nguyện viên y tế. PATH đã và đang tập trung vào các phương pháp tiếp cận mang tính bền vững và cộng đồng cao nên các chương trình còn tiếp tục phát triển ngay cả khi dự án của PATH kết thúc.

Một trong những dấu mốc quan trọng của PATH tại Việt Nam là giới thiệu thành công phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) để ngăn ngừa lây nhiễm HIV. PATH, cùng với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, đã hỗ trợ Cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam thí điểm PrEP đường uống, trực tiếp đóng góp vào việc triển khai và mở rộng chương trình PrEP tại Việt Nam.
Các tổ chức cộng đồng và khu vực tư nhân cũng tham gia và đóng góp cho chương trình HIV/AIDS ở Việt nam, xây dựng thị trường hàng hóa và dịch vụ nhằm tăng nguồn lực trong nước cho chương trình phòng chống HIV.


Hành động toàn cầu tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong vấn đề sức khỏe toàn cầu và PATH Việt Nam vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm cung cấp thông tin và chia sẻ trong khu vực và toàn cầu. Vào thập niên 1980, PATH và các nhà sản xuất trong nước đã hợp tác nhằm tạo sự chuyển đổi thị trường bao cao su trong nước, thúc đẩy các công ty bù lấp các thiếu hụt về bao cao su do giảm dần các viện trợ. Điều này đã giúp nhiều người dân được tiếp cận với bao cao su chất lượng cao, giá cả phù hợp.

Ngày nay, chương trình tiêm chủng của Việt Nam đang mang những ảnh hưởng tích cực đến nhiều quốc gia trên thế giới. Sự hợp tác của PATH với Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, Bộ Y tế và Viettel (một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất tại Việt Nam) đã tạo ra Hệ thống Thông tin Tiêm chủng Quốc gia Việt Nam.

Thành công và bài học kinh nghiệm của Hệ thống tiêm chủng kỹ thuật số đã được chia sẻ rộng rãi, giúp hướng dẫn các quốc gia khác khi họ triển khai mô hình đăng ký tiêm chủng điện tử. “Hệ thống Thông tin Tiêm chủng Quốc gia là một trong những thành tựu hợp tác tuyệt vời của PATH”, Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Nga, Trưởng đại diện của PATH tại Việt Nam cho biết. “Điều đó đã minh chứng cho những kết quả chúng ta có thể đạt được khi có quan hệ hợp tác chặt chẽ và sự cam kết của các đối tác liên quan.”

“Hệ thống Thông tin Tiêm chủng Quốc gia là một trong những thành tựu hợp tác tuyệt vời của PATH.” –Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Nga, Trưởng đại diện PATH tại Việt Nam.


Ngoài ra, PATH đã hỗ trợ phát triển và đăng ký cấp phép thành công vắc xin cúm mùa - kết quả của gần một thập kỷ hợp tác giữa Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế, PATH, Bộ Y tế Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới và Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh tiên tiến thuộc Cơ quan và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ.

PATH đã hỗ trợ kỹ thuật phát triển vắc-xin vi rút Rota thế hệ 2 để giúp có thể dễ dàng vận chuyển, bảo quản và phân phối ở những nơi khó khăn, ít nguồn lực. Với sự hỗ trợ của PATH và các đối tác phát triển khác, Campuchia, Lào và Myanmar đã giới thiệu vắc-xin viêm não Nhật Bản vào các chương trình tiêm chủng quốc gia và Việt Nam đã mở rộng chương trình tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản trên toàn quốc. Thành tựu này đã giúp bảo vệ hàng triệu trẻ em khỏi căn bệnh chết người này.


Thách thức mới trong năm 2020

Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19 rất nhanh và quyết liệt, và tiếp tục là một thành công được thế giới công nhận. Hệ Thống khai báo y tế COVID-19 của Việt Nam được phát triển bởi một đơn vị trong nước với sự hỗ trợ kỹ thuật từ PATH và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ để thu thập và theo dõi các trường hợp nghi ngờ, liên hệ và xác nhận COVID-19 theo thời gian thực. Hệ thống hiển thị dữ liệu để người dùng có thể khoanh vùng và nắm được thông tin nhân khẩu học của bệnh nhân. PATH cũng giúp đánh giá nhu cầu cung ứng oxy của Việt Nam để đáp ứng kịp thời trong điều trị COVID-19 và các kế hoạch lâu dài khi đại dịch kết thúc.

Việt Nam đã cam kết phát triển vắc xin COVID-19, không chỉ để đáp ứng nhu cầu phòng chống đại dịch trong nước mà còn thúc đẩy công bằng y tế trong khu vực. PATH đang hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Y tế về việc phát triển và giới thiệu vắc xin COVID-19. Vào ngày 19 tháng 11 năm 2020, PATH đã tổ chức lễ kỷ niệm với hơn 600 khách mời từ chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, các tổ chức cộng đồng, các nhà tài trợ, các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam và Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của PATH đã nhấn mạnh và nêu bật những giải pháp mới mà PATH đã mang đến cho hàng triệu người trên toàn quốc. PATH kỷ niệm 40 năm quan hệ đối tác bền chặt tại Việt Nam và thúc đẩy các sáng kiến đổi mới về chương trình Làm mẹ an toàn, Tiêm chủng, Phòng chống các bệnh truyền nhiễm như HIV và Lao, Phòng chống các bệnh không lây nhiễm và An ninh y tế toàn cầu.




PATH hy vọng với các bài học của Việt Nam sẽ khuyến khích nhiều quốc gia hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp mới cho lĩnh vực y tế công cộng để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. PATH mong muốn được tiếp tục hoạt động để phục vụ người dân Việt Nam và Khu vực sông Mê Kông.

Nguồn: Tổ chức PATH